Tuesday, January 22, 2013

Đeo đuổi đến cùng ước mơ


Khi vào Google, gõ dòng chữ: CTU.Optimists, trong 0.23 giây, kết quả tìm kiếm cho hơn 208 nghìn kết quả liên quan đến đội tuyển đạt Giải nhất cuộc thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC của Trường Đại học Cần Thơ. Niềm vui nhân đôi, khi biết tin đội sẽ là đơn vị duy nhất đại diện Việt Nam dự thi vòng chung kết ACM/ICPC toàn cầu tại Nga vào cuối tháng 6-2013.

Phút 89…

Dù cuộc thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC vòng loại châu Á, tại điểm thi Hà Nội, đã kết thúc hơn một tháng nay nhưng dư âm vẫn còn "nóng hôi hổi" với Đội tuyển CTU.Optimists (gồm các thành viên: Lâm Phan Việt, sinh viên ngành Máy tính và Truyền thông K35; Lương Văn Đô, sinh viên ngành Khoa học máy tính K36; Trần Thanh Tú, sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm K34 và Thạc sĩ Nguyễn Cao Hồng Ngọc, Huấn luyện viên của đội). Đội trưởng Lâm Phan Việt xúc động nói: "Hôm xướng danh đội của chúng tôi đoạt giải Nhất vòng loại khu vực châu Á tại điểm thi Hà Nội, cả đội vui mừng đến nổi không nói nên lời…".
ACM/ICPC điểm thi Hà Nội năm nay tuân thủ tiêu chuẩn của cuộc thi ACM/ICPC quốc tế. Các thí sinh phải giải toán trên máy tính bằng tiếng Anh. Mỗi đội được phát 1 đề thi có 8-10 bài, cùng làm việc trên 1 PC trong 5 giờ. Các bài thi phải sử dụng ngôn ngữ lập trình C/C++, Java. Kết quả được chấm hoàn toàn tự động bằng công cụ chấm thi và công bố tại khu vực thi. Cuộc thi đòi hỏi thí sinh phải có khả năng lập trình, tư duy thuật toán rất tốt. Điều quan trọng, các thành viên trong đội phải thật "ăn ý". Đô kể: "Trong 4 giờ thi đầu, cả đội chỉ giải được 2/10 bài thi. Đội xếp đồng hạng 17, đứng thứ tự 25. Lúc ấy, chúng tôi rất lo lắng, bởi chỉ còn 1 giờ thi nữa và đội giỏi nhất hiện đã giải được 4 bài. Chúng tôi tự nhủ phải cố gắng. Khi đó, máy chấm thi báo kết quả đáp án bài giải thứ 3 của đội đúng. Cả đội lấy lại tinh thần, chúng tôi chia nhau mỗi người một việc, cố gắng sửa và cải tiến các bài đang làm dang dở. Rồi máy báo kết quả đúng 4 bài. Bài thứ 5, chúng tôi hoàn thành khi chỉ còn khoảng 20 phút cuối". Tú tiếp lời: "Giải được bài cuối cùng là nhờ vào kinh nghiệm của Việt. Chính kinh nghiệm và sự quyết đoán của bạn đã giúp đội toàn thắng trong cuộc thi". Thạc sĩ Nguyễn Cao Hồng Ngọc phấn khởi nói: "Ngồi ngoài phòng thi, tôi rất sốt ruột. Sau 4 giờ thi đầu, lúc bảng điểm đóng băng (không còn cập nhật kết quả để giữ bí mật), đội chỉ giải được 2 bài, chưa đúng với thực lực của đội. Đến khi đội ra ngoài phòng thi, nhìn Việt đưa bàn tay 5 ngón (ngụ ý làm được 5 bài tập), chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc vì quá vui mừng!".

 Các thành viên trong Đội tuyển CTU.Optimists đang làm việc nhóm trên máy tính.
Ngay trong lễ trao giải, Đội tuyển CTU.Optimists Đại học Cần Thơ đã gây ấn tượng với kết quả giải được 5 bài toán (đội vô địch của Hồng Công giải được 6 bài), trong đó, có 3 bài hoàn tất trong 1 giờ cuối, trước khi kết thúc cuộc thi.

 

Theo đuổi ước mơ
Để đạt được thành công trên, cả đội phải trải qua những tháng ngày khó khăn, vất vả. Còn nhớ trong cuộc thi online vòng loại quốc gia (điểm thi tại Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông - Trường ĐHCT) để chọn những đội mạnh ở các trường dự thi tại Hà Nội, Đội tuyển CTU.Optimists xếp hạng rất thấp (thứ 58), khiến các thành viên rất buồn. Thế là, cả đội họp lại, đánh giá mặt mạnh, yếu và rút kinh nghiệm. Cả đội chia nhau tìm và giải các bài tập trên mạng, trong cuộc thi online… Sau đó, cả đội quyết định tự xuất tiền để đi Thái Lan tham dự cuộc thi khu vực Châu Á ACM/ICPC, vào giữa tháng 11-2012. Việt bộc bạch: "Biết rằng tham gia cuộc thi sẽ tốn khá nhiều thời gian và chi phí (bình quân mỗi người chi 10 triệu đồng) nhưng chúng tôi muốn cho mình thêm cơ hội và để biết thực lực". Quyết tâm ấy đã mang về cho đội niềm tin, giải đúng cả 5 bài và xếp hạng 19/65 đội thi. Thạc sĩ Nguyễn Cao Hồng Ngọc nói: "Với một giảng viên, chuyện chi 10 triệu đồng cho chuyến đi cũng đã là khó khăn, huống hồ các bạn sinh viên. Quan trọng hơn, các em đã cố gắng hết mình để chiến thắng và thực hiện ước mơ".
Có lẽ chính ước mơ đó đã giúp Việt, Đô và Tú vượt khó, học tốt. Ba bạn đều là sinh viên khá, giỏi của trường; trong đó, Việt và Đô từng được trường vinh danh bảng vàng với thành tích học tập xuất sắc. Theo Việt, nhiều bạn trẻ thường hay chia sẻ trên facebook là không có ước mơ, hoài bão, tỏ vẻ chán nản cuộc sống. Qua giải thưởng này, đội không chỉ khẳng định mình mà còn chia sẻ với các bạn trẻ rằng, cuộc sống luôn tươi đẹp và hãy phấn đấu để thực hiện ước mơ, nhất định sẽ thành công. Vì thế, dù gia đình Việt rất khó khăn, ba bị bệnh nặng hơn 20 năm nay, thu nhập chính từ tiền lương dạy học của mẹ (giảng viên Trường Cao đẳng Cần Thơ) nhưng Việt vẫn cố gắng học tốt. Việt nói: "Tôi luôn cố gắng học giỏi, ra trường có việc làm ổn định để lo cho bản thân và gia đình. Nếu có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục học để nâng cao trình độ".
Tuy gia đình không quá khó khăn như Việt nhưng để đoạt được giải cao của cuộc thi thì Đô và Tú tạm gác lại nhiều việc khác. Như Tú, chàng trai đến từ Đồng Tháp, là một kỳ thủ cờ vua trong đội tuyển dự thi cấp quốc gia. Từ nhỏ, Tú đã mê môn thể thao này, cùng với năng khiếu của mình, nhiều năm liền, Tú đều "rinh" nhiều giải thưởng về cho tỉnh Đồng Tháp. 17 năm qua, khoản lương hằng tháng từ cờ vua đã giúp Tú trang trải chi phí học tập và phụ tiếp gia đình. Tú cười nói: "Cờ vua cũng là sở thích của tôi. Song, ước mơ của tôi là sau khi tốt nghiệp, sẽ được làm việc cho Tập đoàn Google. Khi tham gia cuộc thi ACM/ICPC quốc tế, tôi đã phải bỏ 2 giải thi đấu cờ vua quốc gia".
* * *
Chia tay Đội tuyển CTU.Optimists, tôi không quên hình ảnh các thành viên dán mắt vào màn hình máy tính để tìm cách giải bài tập cũng như câu nói chân tình của Thạc sĩ Nguyễn Cao Hồng Ngọc: "Khó có ai chọn nơi mình sinh ra nhưng có thể chọn con đường mà mình ước mơ để phấn đấu. Và thành công mà chúng tôi đạt được hôm nay là nhờ sự kiên trì theo đuổi đến cùng ước mơ đó". Đó cũng là lý do để bộ ba Việt- Đô-Tú nỗ lực hết mình trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức.

Bài, ảnh: B.NGỌC
Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam (OLP) là sáng kiến của Hội Tin học Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm động viên phong trào học tập tin học và khuyến khích các tài năng tin học trẻ. Kỳ thi bắt đầu từ năm 1992 và được tổ chức định kỳ hàng năm, với sự tham gia của sinh viên ở các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Năm 2006, Việt Nam chính thức được chấp thuận tổ chức Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC (ACM International Collegiate Programming Contest) khu vực Châu Á. Từ năm 2007, Olympic Tin học sinh viên Việt Nam đã kết nối với Kỳ thi ACM/ICPC thành một Hội thi tin học cho sinh viên Việt Nam và khu vực Châu Á. Năm 2012, cuộc thi Olympic tin học sinh viên Việt Nam lần thứ 21 và kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC khu vực Châu Á được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11-2012, Đội tuyển CTU.Optimists là một trong 4 đội đoạt giải Nhất cuộc thi ACM/ICPC khu vực Châu Á.


Nguồn: Báo Cần Thơ